“Khi nghe Czardas, tôi hay tưởng tượng về hình ảnh về một thảo nguyên mênh mông bát ngát tận chân trời, một đàn ngựa đang thong dong bước nhỏ nước kiệu dưới ánh nắng vàng. Rồi bỗng nhiên cả đoàn ngựa đổi sang nước đại, tung vó rầm rậm lao nhanh về phía chân trời, bụi cỏ cuốn tung mờ cả không gian.” (Nguyễn Ngọc Khánh Chi) (St)
Và hình ảnh của đàn ngựa với tiếng vó cuốn lòng người đó đã được Nghệ Sĩ Violin Tăng Thành Nam thể hiện với phần đệm Guitar của Nghệ sĩ A Tách trên cao nguyên Đắk Nông vào đêm giao thừa 31.12.2022. Một cảm xúc rạo rực, một khoảnh khắc đặc biệt để “nâng niu như báu vật”, sau này khi ra với thế giới rộng lớn còn mãi mang theo..! Xin biết ơn thật nhiều!
Csárdás
Vittorio Monti
Violin: Nghệ sĩ Tăng Thành Nam
Guitar: Nghệ sĩ A Tách
#thanhamanhsang2
———
Bài viết về Csárdás của Khánh Chi (2015) (St)
“Tôi còn nhớ lần đầu tiên được nghe bản nhạc Czardas ấy, là lúc cả lũ trẻ học sinh lớp 9 (khoảng năm 1995) đi thăm nhà vợ chồng cô Châu – thầy Danh (thầy cô giáo dạy chúng tôi) và được thầy mở cho nghe dĩa CD nhạc giao hưởng của nhạc trưởng Paul Mauriat. Lúc đó, ngôi nhà của thầy cô tuy đơn sơ nhưng lại vang đầy thứ âm nhạc ‘sang trọng’ và mê đắm đó, cho dù nhìn xung quanh không thấy gì đáng giá ngoài chiếc xe Babetta cà tàng và chiếc cát-xét CD của thầy – chiếc đài CD loại xịn, âm thanh nổi, tương phản hoàn toàn với vẻ nghèo nàn, giản dị của ngôi nhà. Và thêm những dĩa DC nhạc hòa tấu được thầy nâng niu như báu vật.
Quả thật đó là những ‘báu vật’ trong hoàn cảnh còn trăm bề thiếu thốn, nghèo khó của một tỉnh lẻ miền trung xa xôi nửa đầu thập niên 90. Lũ trẻ chúng tôi lớn lên chẳng có lựa chọn gì nhiều ngoài những loại nhạc vàng, nhạc sến của Chế Linh, Tuấn Vũ rền rĩ suốt tuổi thơ của cả một thế hệ. Và thứ tiết tấu mới mẻ hùng tráng của Czardas lúc đó đã gieo vào tôi một sự xúc động, một nỗi phấn khích mơ hồ đến độ nổi cả gai ốc. Đến nỗi khi đạp xe ra về, âm hưởng của bản nhạc còn vang vang trong đầu trong suốt đoạn đường dài, mặc dù lúc ấy tôi không hề biết tên bản nhạc đó là gì. Đó cũng là lần đầu tôi có thể cảm nhận được rằng âm nhạc cổ điển lại có thể đẹp và truyền cảm hứng đến vậy.
Sau này, khi lớn lên được tiếp xúc với thế giới rộng lớn, biết được bao điều hay đẹp, nhưng những âm hưởng của bản nhạc tôi nghe ngày ấy thỉnh thoảng vẫn không ngừng vang lên trong đầu tôi, nhắc nhớ tôi về cảm xúc một thời của thơ trẻ. Mãi sau này, tôi mới được biết tên của bản nhạc, là Czardas (hoặc Csárdás), một tác phẩm của Vittorio Monti (1868–1922), nhà soạn nhạc và nghệ sỹ vĩ cầm người Ý. Czardas mô phỏng nhạc của điệu csárdás – một điệu dân vũ của người Hungary với phần nhạc thường do một ban nhạc gypsy (dân di-gan, sắc dân du mục phổ biến ở Đông Âu) trình diễn với tiết tấu nhanh chậm xen lẫn nhau, và những người nữ vũ công mặc chiếc váy truyền thống khi xoay vòng lại tạo thành những vòng tròn đẹp mắt. Nhiều nhà soạn nhạc cổ điển đã mượn tiết tấu điệu csárdás để đưa vào tác phẩm của họ như trong bản Hungarian Dance No. 5 của Johannes Brahms, hồi 20 – chương III vở Swan Lake (Hồ Thiên nga) của Pyotr Tchaikovsky, bản Coppélia của Léo Delibes, vv nhưng được yêu thích nhất vẫn là bản Czardas của Vittorio Monti.
Tác phẩm này gồm 7 đoạn (sections) khác nhau soạn cho vĩ cầm (violin) và dương cầm (piano), dài khoảng 4 phút rưỡi, được Monti viết vào năm 1904. Vittorio Monti viết rất ít, và Czardas là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông.
Czardas cũng gắn liền với tên tuổi của nhạc trưởng nổi danh Paul Mauriat, khi ông đã chỉ huy rất thành công và trình diễn nhiều nơi trên thế giới vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Tiết tấu bài nhạc nửa đầu dìu dặt du dương, đưa ta vào những hồi ức êm đềm một thời xa vắng. Rồi đột nhiên âm nhạc được đẩy lên cao trào, dồn dập, phấn kích, thức tỉnh cảm giác rộn ràng hưng phấn ở hiện tại.
Khi nghe Czardas, tôi hay tưởng tượng về hình ảnh về một thảo nguyên mênh mông bát ngát tận chân trời, một đàn ngựa đang thong dong bước nhỏ nước kiệu dưới ánh nắng vàng. Rồi bỗng nhiên cả đoàn ngựa đổi sang nước đại, tung vó rầm rậm lao nhanh về phía chân trời, bụi cỏ cuốn tung mờ cả không gian ./.”